Hiện nay có rất nhiều trường hợp F0 dùng thuốc bổ, vitamin kéo dài với hy vọng nâng cao sức đề kháng, nhanh khỏi bệnh. Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo việc lạm dụng các loại vitamin có thể hại sức khoẻ, đặc biệt là với trẻ nhỏ.
Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia, vitamin cũng là thuốc, dùng đúng và hiệu quả sẽ tốt, quá nhiều sẽ hại. Do vậy, việc bổ sung vitamin và khoáng chất phải hết sức thận trọng, vì chúng cũng có nhiều tác dụng phụ không mong muốn giống như bất kỳ thuốc chữa bệnh nào. Vitamin, thuốc bổ khác không có tác dụng điều trị COVID-19 mà chỉ có tác dụng hỗ trợ tăng cường sức đề kháng cho cơ thể để tăng khả năng phòng bệnh, với người đã mắc bệnh sẽ tăng khả năng hồi phục sau khi mắc bệnh. Điển hình như thừa Vitamin A có thể gây ngộ độc làm tăng áp lực nội sọ dẫn đến trẻ bị nôn nhiều, đau đầu, ảnh hưởng đến sự phát triển xương có thể làm trẻ chậm lớn, rối loạn thần kinh. Vitamin A cũng có thể gây quái thai, vì vậy không nên dùng cho mẹ ngay trước thời kỳ mang thai và đặc biệt không nên dùng cho phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu. Thừa Vitamin B6 có thể dẫn tới viêm đa dây thần kinh, giảm trí nhớ, giảm tiết prolactin. Dùng vitamin C liều cao theo đường uống có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng, tiêu chảy. Vitamin C liều cao làm phá hủy Vitamin B12. Dư thừa Vitamin D có thể làm chán ăn, mệt mỏi, nôn, dày màng xương, có trường hợp có thể bị thiểu năng, kém trí tuệ. Bổ sung Vitamin D quá nhiều có thể gây suy thận và tử vong
Do đó, việc bổ sung vitamin khoáng chất cần phải đúng liều có sự tư vấn của bác sĩ để tránh gây ra hậu quả đáng tiếc.